Xây dựng khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn

Năm 2014, sau khi thị sát Khu kinh tế Vân Đồn, trò chuyện với cán bộ, đảng viên, nhân dân huyện Vân Đồn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Vân Đồn như chú sư tử ngủ quên cần đánh thức và Trung ương đã quyết định chọn Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hoà), Phú Quốc (Kiên Giang) là ba nơi để xây dựng khu hành chính - kinh tế đặc biệt, đây sẽ là ba điểm đột phá của đất nước.

Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh (thứ 3, phải sang) kiểm tra tiến độ Cảng hàng không Quảng Ninh.

Đến nay, sau hàng chục hội nghị, hội thảo và làm việc, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, khoa học đối với Đề án xây dựng khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, trên cơ sở các chỉ đạo, định hướng của T.Ư và Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động tiến hành rà soát và mời các đơn vị tư vấn, chuyên gia quy hoạch hàng đầu thế giới phối hợp với tỉnh nghiên cứu, đề xuất hướng phát triển của đặc khu theo mô hình khu hành chính - kinh tế đặc biệt có tính liên kết vùng và bảo đảm tính hiện đại, đồng bộ, khả thi. Theo đó, đây sẽ là đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có casino, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế của khu vực hành lang kinh tế Trung Quốc - ASEAN; mô hình phát triển theo hướng thân thiện môi trường, bộ máy hành chính tinh gọn, thể chế, cơ chế, chính sách cạnh tranh toàn cầu ở mức cao nhất... Đó là, bộ máy chính quyền một cấp, gồm có HĐND và UBND đặc khu. Cơ quan quản lý hành chính là UBND đặc khu; dưới đặc khu hành chính - kinh tế Vân Đồn có các tiểu khu trên cơ sở sắp xếp lại các xã, thị trấn hiện có thuộc huyện Vân Đồn. Cơ quan giúp việc cho UBND đặc khu được sắp xếp, tổ chức các cơ quan tham mưu của cấp uỷ, chính quyền theo hướng tinh gọn, hiệu quả, quản lý đa ngành, lĩnh vực. Trong quá trình chỉ đạo, điều hành, căn cứ vào sự phát triển của đặc khu, trưởng đặc khu quyết định thành lập, giải thể hoặc tổ chức lại các ban chuyên môn phù hợp với thực tiễn theo từng thời điểm.

Hiện thực hoá khát vọng có được đặc khu kinh tế, tạo sự đột phá thực sự trong giai đoạn tới, tỉnh Quảng Ninh đã nói và làm từ việc khởi thảo xây dựng Đề án đến kêu gọi các nguồn lực đầu tư để Vân Đồn có được nền tảng hạ tầng sẵn sàng đón đầu sự phát triển của đặc khu hành chính - kinh tế. Tỉnh đã chọn Tập đoàn Sun Group là nhà đầu tư chiến lược thực hiện hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm trong Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, như đầu tư Cảng hàng không Quảng Ninh theo hình thức BOT - mô hình đầu tiên của cả nước về huy động nguồn lực ngoài ngân sách làm sân bay. Và cũng Tập đoàn này sẽ tiếp tục triển khai khu phức hợp cao cấp nghỉ dưỡng, giải trí có casino, tạo vùng lõi đặc biệt trong Khu hành chính - kinh tế đặc biệt. Cùng với đó, khi các dự án hạ tầng chiến lược của tỉnh liên thông, kết nối đến Vân Đồn và Cửa khẩu quốc tế Móng Cái gồm cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái... sẽ tạo lực đẩy để Vân Đồn “cất cánh”.

Chuyên gia tham vấn những thể chế vượt trội

Để Đề án thành lập Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn đảm bảo các yếu tố khách quan, mang tính ưu việt cao, ngày 19-6, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị tham vấn ý kiến của Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE) về xây dựng Đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Tại hội nghị đã có nhiều ý kiến tham gia để xây dựng Vân Đồn trở thành đặc khu hành chính - kinh tế, ông Đoàn Đình Hồng, chuyên gia của Hội khoa học tại Pháp cho rằng, điều đầu tiên Vân Đồn phải hoàn thiện hạ tầng xanh; quy hoạch tạo điều kiện nâng cao trình độ dân cư nội tại; quy hoạch không gian kiến trúc chỉ riêng có ở Vân Đồn. Đặc biệt, hạ tầng giao thông phải mang tính vượt trội, đó là giao thông cộng đồng tuần hoàn; kết nối giao thông bên ngoài Vân Đồn với những khu vực lân cận nhằm giới hạn giao thông cá nhân trong khu kinh tế.

Trên phương diện phát triển kinh tế, bà Đinh Thanh Hương, Giám đốc Đào tạo dự án tài chính Tập đoàn Tài chính quốc tế accenture, khẳng định: Cùng với hạ tầng, Vân Đồn phải tập trung phát triển hệ sinh thái kinh tế, bao gồm: Du lịch dịch vụ (du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch nghỉ dưỡng giải trí, du lịch học tập khám phá, du lịch khám, chữa bệnh thiền cao cấp, du lịch mua sắm giải trí); công nghiệp mềm (công nghiệp xanh, công nghiệp trí tuệ nhân tạo); nông, lâm, ngư nghiệp phải tạo ra sản phẩm hiếm, thế mạnh của địa phương...

Xoay quanh vấn đề thể chế và bộ máy hành chính vượt trội, các chuyên gia đều nhận định: Bộ máy cần tinh gọn, hiệu quả với thẩm quyền vượt trội, độc lập trong điều hành, ra quyết định nhanh gọn, vận hành như một công ty theo cơ chế thị trường. Đồng thời, bộ máy hành chính tinh giản, phát triển mạnh thủ tục online, rút gọn thời gian “một cửa” đối với nhà đầu tư. Đặc biệt, bộ phận tiếp nhà đầu tư phải có chuyên môn cao, biết nhiều ngôn ngữ; công khai chính sách, thủ tục, quy trình, chỉ tiêu xét duyệt dự án.

Chia sẻ tại hội nghị tham vấn, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: Thời gian qua, Quảng Ninh đã chủ động, sáng tạo tìm ra các giải pháp mới trong xu thế hội nhập quốc tế, tạo nhiều đột phá và tiên phong trong cả nước, như: Quyết định thành lập và đưa mô hình Trung tâm Hành chính công tỉnh và 14/14 địa phương vào hoạt động; cả hệ thống chính trị tỉnh đã tập trung xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, kiện toàn cơ sở Đảng phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương. Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn là địa phương tiên phong và thành công trong việc áp dụng hình thức hợp tác công - tư  đối với nhiều dự án, đặc biệt là những dự án động lực có ý nghĩa lớn... Đây thực sự là bước đột phá, thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân. Với tinh thần cầu thị, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và huyện Vân Đồn... sẽ hoàn thiện Đề án thành lập Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn để báo cáo các bộ, ngành và Hội đồng thẩm định Trung ương trong tháng 6-2017.

Có thể khẳng định, Vân Đồn đang đứng trước thời cơ, vận hội mới cho một tương lai tươi sáng. Hiện nay, bên cạnh việc hoàn thiện Đề án và Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã và đang dành nguồn lực, thu hút các nhà đầu tư chiến lược hoàn thiện một loạt các dự án hạ tầng tại Vân Đồn. Đây là cơ sở vững chắc để cho Quảng Ninh thuận lợi hơn trong việc triển khai thực hiện Đề án và thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư chiến lược đến với Vân Đồn trong thời gian tới.